Trên tiến trình xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đem lại nhiều giá trị đi kèm. Ngoài việc đưa lại kinh tế, các sản phẩm OCOP còn phản ánh được vị thế đặc thù và nét văn hóa của từng địa phương.
OCOP – phát triển kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị
Cho đến nay đã có 21/21 huyện, thành, thị tổ chức đánh giá, phân hạng và có sản phẩm đạt hạng sao. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Nghệ An đã tiến hành đánh giá sản phẩm đợt 1 năm 2022 có 36 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên và được UBND tỉnh quyết định công nhận, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP là 285 sản phẩm. Trong đó, có 244 sản phẩm đạt hạng 3 sao; có 40 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét công nhận.
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: Các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh, Thanh Chương,… Đã có 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương và tận dụng được thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, khi hậu, có chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, Gừng Kỳ Sơn, Gà đồi Thanh Chương, Gạo Vĩnh Hòa, Lạc Diễn Châu.
Thông qua chương trình, đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Sản phẩm Tảo xoắn Quỳnh Lưu, HTX Nhút Hạnh Lâm, HTX Bưởi Diễn Thanh Nho, HTX gừng Kỳ Sơn; Nước mắm Tân Hội Cửa Lò; Lạc Diễn Châu, Dược liệu Pù Mát, Chè Thanh Chương, Tinh bột nghệ Hoàng Mai, làng nghề nước mắm Hải Giang 1… Việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh của địa phương đã “biến” nông sản vốn là sản vật thường có trở thành trứ danh từng vùng.
Không những thế, việc xây dựng sản phẩm đạt chuẩn còn là thước đo, là hồn cốt, văn hóa của địa phương để khi sản phẩm vươn ra thị trường rộng lớn sẽ mang cả nét sáng tạo, tài hoa và cần mẫn của người nông dân sớm hôm làm ra. Điều đặc biệt hơn nữa là mang cả tâm tình của người dân địa phương đến với khách hàng khắp mọi miền đất nước. Chương trình OCOP còn góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa nhằm phát triển kinh tế nông thôn.
Chương trình OCOP được Nghệ An xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng. Bởi có tập trung vào chất lượng thì mới bền vững được với thị trường tiêu thụ vốn có nhiều đòi hỏi như hiện nay.
Giải quyết việc làm, tăng thu nhập
Từ khi bắt đầu triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân,…tạo thành một làn sóng “so tài” cùng nhau. Chính vì thế, từ sản phẩm đã nhìn nhận thấu đáo tài hoa của người nông dân. Cũng từ đây, khâu giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn khá lớn.
Cụ thể, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 – 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Chương trình này đã phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như: Sản phẩm Dệt Thổ cẩm gắn với các Làng du lịch cộng đồng homestay bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; bản Khe Rạn xã Bồng Khê, bản Nưa xã Yên Khê huyện Con Cuông;… đã giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 3,8 – 4,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP còn góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường.
Điển hình như Hợp tác xã chế biến nước mắm Hải Giang có tiền thân từ làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 với 12 hộ liên kết sản xuất với nhau, cùng có chung một điều lệ hoạt động và giữ nguyên tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên tình thần đảm bảo giá, chất lượng và cầu thị khách hàng góp làm nên thương hiệu nước mắm chiếm lĩnh thị trường rộng lớn. Cùng với đó là giải quyết được việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương.
“Nhìn chung, doanh thu của 285 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên hàng năm tăng khoảng 8% – 10% và lợi nhuận bình quân hàng năm tăng khoảng 120-150 triệu đồng – ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn cho biết. – Các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, đáp ứng được với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Cùng với đó là góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn”.